NHỮNG NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG

NHỮNG NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG

 

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Được coi trọng như vậy, bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, đạo lý, và người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.

Trải qua nhiều thời kỳ của đất nước, nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hôm nay, xã Cảnh Thụy long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 36 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2018). Về dự buổi lễ và tặng hoa cho cán bộ - giáo viên ba trường và cựu giáo chức có đồng chí vũ Văn Thùy - Huyện ủy viên, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Dũng.

( Đồng chí Vũ Văn Thùy - Huyện ủy viên, Chánh văn phòng UBND huyện)

 

          Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Bí thư đảng ủy cùng các đồng chí thường trực ĐU - HĐND - UBND, đại diện các ban ngành đoàn thể xã, trạm y tế, các thầy cô trong Hội cựu giáo chức làm công tác giáo dục qua các thời kỳ nghỉ hưu tại địa phương, đại diện hội cha mẹ học sinh của ba cấp học và toàn thể các thầy giáo, cô giáo và cán bộ công nhân viên đang làm công tác giáo dục trên địa bàn xã.

          Lời phát biểu của đồng chí Trần Đức Thức - Phó chủ tịch UBND xã đã làm cho đội ngũ giáo viên chúng tôi được trân trọng và tự hào. Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗingười thầy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ, để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Chúng tôi thầm cảm ơn những người đã hiểu sự vất vả của chúng tôi, giúp cho chúng tôi có động lực để đưa nền giáo dục của xã nhà phát triển.

( Đồng chí Trần Đức Thức - Phó chủ tịch UBND xã phát biểu)

          Thật tự hào bởi đội ngũ của chúng tôi có những cô giáo luôn tận tâm với nghề, coi học sinh như con của mình. Lời tâm sự của cô Phạm Thị Thúy đã làm cho các thế hệ thầy giáo như chúng tôi phải thật sự xúc động.

( Cô giáo Phạm Thị Thúy - GV tiêu biểu phát biểu trong buổi lễ)

         

Vì học sinh thân yêu của mình mà người thầy như chúng tôi đã được đền đáp. Là những phần thưởng tuy nhỏ nhưng ấm lòng với thầy cô đã đạt thành tích xuất sắc trong năm học qua. Là sự thấu hiểu của tất cả phụ huynh công nhận.

( Chủ tịch UBND xã khen thưởng các thầy cô đạt thành tích xuất sắc)

 

Khi nhắc đến ngày Nhà giáo Việt Nam là nhắc đến một ngày trọng đại và ý nghĩa. Là ngày để toàn nhân loại hướng về các Thầy Cô - những người lái đò âm thầm, lặng lẽ, những người ươm mầm xanh cho Đất nước. Bác Hồ đã khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang", và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời". Đúng như vậy, chúng tôi tự hào về nghề của mình.

 

Trịnh Thị Hải

PHT - Trường TH Cảnh Thụy